Sự phát triển, bành trướng và suy yếu Sở Chiến_Quốc

Đầu giai đoạn Chiến Quốc, Sở là một trong những nước mạnh nhất trong số chư hầu. Nước này đã đạt tới một vị thế mới khi vua Sở phong nhà cải cách nổi tiếng Ngô Khởi (吳起) làm Tể tướng năm 389 TCN.

Sở đạt đến đỉnh cao sức mạnh của mình vào năm 334 TCN khi họ chiếm được nhiều vùng đất đai của Trung Nguyên. Những sự kiện dẫn tới điều này bắt đầu khi Việt (越國) chuẩn bị tấn công Tề. Vua Tề gửi sứ thần tới thuyết phục vua Việt tấn công Sở thay vì tấn công nước mình. Việt ồ ạt tấn công Sở, nhưng bị Sở phản công, đánh bại, sau đó Sở chinh phục toàn bộ Việt.

Tuy nhiên, đến thời Sở Hoài Vương (328-299 TCN), Sở bị mắc lừa mưu kế của Trương Nghi, thừa tướng và biện sĩ nước Tần, vì vậy đã bị Tần liên tiếp đánh bại và để mất vùng Hán Trung. Đến những năm 279-276 TCN, tướng Tần là Bạch Khởi lại đánh bại Sở, lấn chiếm nhiều đất đai trong đó có kinh đô của sở là Dĩnh (郢). Sở buộc phải dời đô về Trần (278 TCN) rồi Thọ Xuân (241 TCN) và từ đó suy yếu hẳn, không còn là đối thủ của Tần nữa.

Đến thời Sở Khảo Liệt Vương (262-238 TCN), Xuân Thân Quân Hoàng Yết được phong làm Tướng quốc đã đề xuất nhiều biện pháp kinh tế, chính trị tiến bộ giúp khôi phục lại phần nào sức mạnh của Sở. Trong khi Tần liên tiếp tấn công Tam Tấn thì Sở cũng tiến sang phía đông tiêu diệt hàng loạt nước nhỏ, điển hình là nước Lỗ năm 256 TCN. Tuy nhiên việc này chỉ có thể bù đắp phần nào cho những thua thiệt trong cuộc tranh chấp với Tần mà thôi chứ không thể khôi phục lại ưu thế trước kia nữa.